Một trong những điển hình của câu chuyện này là ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ một HTX gặp nhiều khó khăn, ông đã từng bước vực dậy HTX Quảng Thọ 2 vượt lên, mang lại những thành công, đáng để các HTX khác học hỏi.
Mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm
Ông Trí cho biết, ở xã Quảng Thọ, cây rau má chính là một thế mạnh riêng. Đây cũng là cơ hội, điều kiện để HTX khai thác, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân.
Thành viên HTX Quảng Thọ II thu hoạch rau má
Từ khi có ý tưởng trồng và sản xuất trà rau má, ông Trí và ban giám đốc HTX quyết tâm theo đuổi, mạnh dạn vay vốn mua sắm công nghệ, thiết bị chế biến trà rau má túi lọc và sấy khô. HTX đã xây dựng cơ bản hoàn thiện nhà xưởng bao gồm: Nhà sơ chế, các phòng chức năng và lắp ráp đầy đủ dây chuyền máy móc thiết bị: máy sục khí ozone, máy sấy, máy sao trà, máy xay nguyên liệu, máy đóng gói túi lọc, máy hàn miệng túi, máy in date...
Cũng trong thời gian này, Ban giám đốc HTX đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý cử cán bộ và công nhân tham gia các lớp tập huấn cơ bản về an toàn vệ sinh thực phẩm do các chi cục trong tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức.
Sản phẩm được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Để phát triển lâu dài thương hiệu rau má sạch Quảng Thọ, HTX thường xuyên tuyên truyền, siết chặt các quy định cho người dân sản xuất đúng tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, HTX kiểm soát chặt chẽ khâu thu hoạch và đóng gói sản phẩm để đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vừa giữ đúng được hương vị, màu sắc, dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quy định.
Từ năm 2013, Hội đồng kiểm tra tổ chức đánh giá các tiêu chí cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau má tươi với diện tích 40ha.
Sau khi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Rau má Quảng Thọ” (logo) và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp, HTX cũng đăng ký mã vạch các sản phẩm Rau má tươi và Trà rau má, được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp.
Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên
Định kỳ HTX tổ chức họp Ban VietGAP và các tổ trưởng phụ trách để nắm tình hình ghi chép hồ sơ lưu trữ của từng hộ, kịp thời sửa chữa khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện.
HTX còn tổ chức cho hộ thành viên có sản xuất rau má và rau màu các loại tập huấn giới thiệu các loại phân vi sinh, sử dụng chế phẩm sinh học để tiến tới áp dụng quy trình chuẩn trong sản xuất thật sự an toàn.
Trà rau má của HTX Quảng Thọ II được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng
Việc HTX Quảng Thọ 2 ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất rau má an toàn VietGAP, rau má sạch, xây dựng thương hiệu rau má Quảng Thọ, cũng như sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm rau má được đánh giá là việc làm có ý nghĩa thực tiễn rất cao, đáp ứng nhu cầu mà xã hội đang quan tâm trong việc tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đến năm 2019 HTX đã có gần 400 hộ gia đình tham gia và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương. Bình quân mỗi năm, HTX đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng. Từ khi sản xuất thành công các loại trà, diện tích rau má ở Quảng Thọ nhân rộng lên 44 ha, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. Mỗi ha cho thu hoạch 50 tấn/năm, thu nhập khoảng 250 triệu đồng, cao gấp 5 lần trồng lúa.
Định hướng sản xuất rau má sạch thời gian tới, ông Trí cho biết đối với vùng nguyên liệu của HTX cần chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền và giám sát hộ thành viên thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.
Phạm Duy